Thông tin cần biết về bệnh viêm phổi do Virus ở trẻ em

Nhi khoa

Viêm phổi do virus là gì?

Viên phổi do virus hay gặp như: RSV, cúm, á cúm, Adenovirus, Rhinovirus. Viêm phổi do virus xảy ra với tần suất cao 60 – 70% trong các trường hợp viêm phổi, nhất ở lứa tuổi 2-3 tuổi. Mùa hay gặp nhất là vào mùa đông (lạnh và ẩm). Hình thái và mức độ nặng của viêm phổi do virus thay đổi theo một số yếu tố như tuổi, mùa, trạng thái miễn dịch của bệnh nhân, môi trường. Bệnh khó phòng tránh, dễ lây nhiễm và tái phát. Viêm phổi do virus có thể dẫn đến các biến chứng như suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, bội nhiễm vi khuẩn…

Bệnh viêm phổi do virus ở trẻ em

Bệnh viêm phổi do virus ở trẻ em. Hình minh họa Google.

Chuẩn đoán

Lâm sàng

  • Giai đoạn ủ bệnh: dài hay ngắn tùy thuộc vào từng loại virus.
  • Giai đoạn khởi phát: triệu chứng viêm long đường hô hấp trên trong vài ngày (đau họng, chảy mũi, hắt hơi, ho), có thể kèm theo sốt nhẹ.
  • Giai đoạn toàn phát: trẻ sốt vừa hoặc cao. Thở nhanh kèm theo rút lõm lồng ngực. Các trường hợp nặng có thể có tím, thở rên và mệt lả, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Khám phổi có ran rít, ngáy hoặc ít ran ẩm. Triệu chứng thực thể nghèo nàn và không đặc hiệu. Trên lâm sàng rất khó phân biệt giữa viêm phổi virus với viêm phổi do vi khuẩn. Các triệu chứng ngoài phổi có thể gặp: nôn trớ, tiêu chảy, phát ban, viêm kết mạc, gan lách to.

Điều trị

  • Nguyên tắc điều trị.
  • Chống suy hô hấp.
  • Chống nhiễm khuẩn.
  • Chống mất nước, rối loạn điện giải.
  • Đảm bảo dinh dưỡng.
  • Đảm bảo thân nhiệt.

Điều trị cụ thể

Chống suy hô hấp

  • Đặt trẻ nằm nơi thoáng khi, yên tĩnh, nới rộng quần áo, tã lót.
  • Hỗ trợ kịp thời tùy theo mức độ hô hấp.
  • Giảm tắc nghẽn đường hô hấp:

+ Đặt trẻ ở tư thế thích hợp: trẻ dưới 1 tuổi nằm tư thế thẳng (tư thế trung gian), trẻ trên 1 tuổi tư thế cổ hơi ngửa ra phía sau.

+ Thông thoáng mũi: nhỏ nước muối sinh lý trước khi ăn, bú và ngủ.

+ Vỗ rung kèm dẫn lưu tư thế, hút thông đường hô hấp khi có nhiều đờm.

  • Cho trẻ thở oxy mask, oxy gọng khi có khó thở, tím tái, cho thở liên tục đến khi hết tím tái và phải thường xuyên theo dõi nhịp thở, SpO2, mạch, huyết áp, nhiệt độ… để kịp thời xử trí. Trường hợp tím tái nặng, ngừng thở có thể đặt ống thông nội khí quản để dễ dàng hút thông đường thở, thở oxy, bóp bóng hô hấp hỗ trợ.
  • Kiểm tra khí máu để đánh giá và điều chỉnh thăng bằng kiềm toan.

Chống nhiễm khuẩn

  • Sử dụng kháng sinh cho trẻ khi có bội nhiễm.
  • Vệ sinh sạch sẽ: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da.
  • Chống nhiễm khuẩn bệnh viện.

Đảm bảo thân nhiệt

  • Nới rộng quần áo, tã lót duy trì thân nhiệt ổn định.
  • Theo dõi nhiệt độ nếu trẻ sốt cao:

+ Dùng khăn mềm thấm nước ấm để lau cho trẻ hoặc đắp chườm tại các vị trí trán, nách, bẹn.

+ Dùng thuốc hạ nhiệt khi trẻ có sốt từ 38,50C trở lên. Không nên cho trẻ dùng aspirin.

+ Cho trẻ uống nhiều nước hoặc bú tăng cường ở trẻ bú mẹ.

+ Theo dõi sát thân nhiệt, đề phòng biến chứng sốt cao co giật.

  • Trẻ sơ sinh đẻ non, suy dinh dưỡng cần phải ủ ấm và theo dõi sát nhiệt độ đề phòng hạ thân nhiệt ở trẻ.

Đảm bảo dinh dưỡng

  • Trẻ được cung cấp đủ năng lượng theo cân nặng, lứa tuổi.
  • Nếu trẻ bú kém cần cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo số lượng.
  • Trẻ ăn dặm hoặc trẻ lớn cần cung cấp thức ăn dễ tiêu và đảm bảo lượng calo cần thiết.
  • Trẻ không tự ăn được cần phải tiến hành cho ăn qua ống thông hoặc nuôi dưỡng tĩnh mạch khi trẻ không bú được, nôn trớ hoặc ỉa chảy.
  • Cân trẻ 1 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của trẻ.

Chống mất nước, rối loạn điện giải

  • Theo dõi và đánh giá tình trạng mất nước (thóp, môi, mắt, nếp véo da, khát nước, tinh thần, nước tiểu…). Đảm bảo nước và dinh dưỡng đủ.
  • Cho trẻ uống nhiều nước. Truyền dịch cho trẻ khi có chỉ định.
  • Theo dõi tình trạng điện giải để kịp thời điều chỉnh cho trẻ.

Tiên lượng

  • Đa số các trường hợp viêm phổi do virus đều tự khỏi. Tuy nhiên 1 vài trường hợp viêm phổi do RSV có thể nặng ở những trẻ nhỏ dưới 6 tuần tuổi.
  • Một số trường hợp có thể ho dai dẳng sau khi đã lui bệnh, 1 số bội nhiễm vi khuẩn cần điều trị như viêm phổi vi khuẩn.