Những điều cần phải biết trước khi sử dụng một loại thuốc
Chỉ có ở Việt Nam chúng ta thì việc sử dụng thuốc mới có thể dễ dàng đến như vậy, và mặt xấu của điều này là sử dụng tùy tiện, không đúng liều, đúng cữ…thậm chí có bệnh là tự mua một loại thuốc nào đó mà không cần qua bác sĩ, dược sĩ. Điều này là tuyệt đối không nên, và các nước phát triển trên thế giới họ rất hạn chế các nhà thuốc lẻ, tấc cả các loại thuốc đều phải qua dược sĩ, bác sĩ. Vì vậy, nguoibenh.com.vn xin liệt kê những điều bên dưới để người bệnh giảm thiểu phần nào những rủi ro khi tự dùng thuốc.
Thói quen dùng thuốc tùy tiện của người Việt
1. Hạn dùng của thuốc
Hạn dùng (hay ngày hết hạn) của thuốc có thể hiểu đơn giản là mốc thời gian mà sau mốc đó thì thuốc không nên dùng nữa. Điều này rất quan trọng, nếu chúng ta dùng thuốc sau mốc thời gian này thuốc sẽ có thể mất tác dụng ơ một số hoạt chất hay nguy hiểm hơn là một số hoạt chất bị biến đổi trở nên độc, nếu dùng sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy tuyệt đối không sử dụng thuốc quá hạn
Theo quy định của Bộ Y Tế, hạn dùng của thuốc được ghi trên bao bì của thuốc và theo quy tắt sau:
- Số chỉ ngày gồm hai con số(có thể có hoặc không)
- Số chỉ tháng gồm hai con số hoặc tên tháng bằng chữ
- Số chỉ năm là hai con số cuối của năm
Ví dụ: 01/08/16 hoặc 08/16 hoặc tháng tám/16
Một số thuốc ghi hạn dùng bằng cách ghi Ngày sản xuất và kèm theo hạn dùng là số tháng từ đó chúng ta biết được ngày hết hạn của thuốc. Ví dụ: Ngày sản xuất: 01/08/14, hạn dùng: 24 tháng ==> từ thông tin này ta biết ngày hết hạn là 01/08/16
Nếu hạn sử dụng của thuốc là 08/16 có nghĩa là thuốc được sử dụng đến hết ngày 31/08/2016 sang ngày 01/09 thì không sử dụng được nữa. Hay hạn dùng là 01/08/16 có nghĩa là được phép dùng thuốc đến 24h đêm ngày 01/08/16. Đây là quy định của Bộ Y Tế(Theo Thông tư 04/2008/TT-BYT) nên điều này là hoàn toàn chính xác, không như một số bài báo lại cho rằng “hạn sử dụng của thuốc là 08/16 có nghĩa là thuốc được sử dụng đến hết ngày 01/08/2016” làm cho người dùng phải bỏ đi một số thuốc gây lãng phí.
2. Sử dụng cùng lúc thuốc Tây y và Đông y có được không?
Nên hạn chế điều này, tốt nhất nên uống hết thuốc Tây y (tác dụng nhanh hơn) sau đó chuyển qua Đông y (tác dụng chậm hơn). Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bắt buộc phải uống cả hai cùng lúc thì anh/chị nên uống cách nhau ít nhất 02 tiếng. Vì nếu uống cùng lúc (hay cách nhau chút ít) thì có thể chúng tương tác với nhau dẫn đến giảm hiệu quả cùa thuốc hay nặng hơn là chuyển hóa thành các chất độc hại dẫn đến tình trạng ngô độc.
3. Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là hiện tượng xảy ra khi dùng đồng thời 2 hoặc nhiều thuốc. Hậu quả của tương tác thuốc có thể là tăng tác dụng (hiệp đồng), giảm tác dụng (đối kháng) hoặc tạo ra một tác dụng khác.
Các bác sĩ hay dược sĩ hiểu rõ điều này và thường dùng kết hợp cùng lúc nhiều loại thuốc để chúng tương tác với nhau, tác dụng qua lại lẫn nhau nhằm mục đích làm tăng tác dụng điều trị.
Tuy nhiên nếu chúng ta tự ý dùng thuốc thì nên xem xét kỹ vấn đề này. Hãy xem trong phần chỉ dẫn (mỗi loại thuốc đều có phiếu chỉ dẫn trong hộp – nếu mua thuốc lẻ thì nên tìm hiểu trên mạng hoặc tra cứu tại Kho Thuốc của nguoibenh.com.vn), trong này có ghi thông tin về Tương tác thuốc: thuốc này tránh dùng chung với những loại thuốc nào…nếu dùng chung sẽ gây ra hậu quả gì…
4. Tác dụng phụ
Theo những nghiên cứu gần đây thì ngày càng có nhiều ca gặp phản ứng có hại khi dùng thuốc. Đó chính là các tác dụng phụ của các hoạt chất có trong thuốc gây ra. Trong phiếu chỉ dẫn của mỗi hộp thuốc đều có ghi thông tin này (là phần ghi những tác dụng không phải dùng trong điều trị, xảy ra ngoài ý muốn)
Tuy nhiên, để giảm thiểu rũi ro trong vấn đề này, anh/chị cần chú ý những điều sau
- Hạn chế số lượng thuốc trong một đơn thuốc (ở nước ngoài, thường trong 01 đơn thuốc chỉ tối đa 03 loại thuốc)
- Khi đi mua thuốc phải nói rõ với người bán thuốc tiền sử dị ứng thuốc
- Đọc kỹ phần Tác dụng phụ trong phiếu chỉ dẫn của thuốc
- Cân nhắc và nói rõ cho người bán thuốc nếu anh/chị đang gặp vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh gan, thận, đang định có thai hay đang có thai
5. Chỉ định
Là phần ghi những trường hợp dùng thuốc. Có thể ghi trường hợp bệnh (điều trị cơn cao huyết áp) hoặc ghi trị tác nhân bệnh (trị giun đũa, giun kim, giun móc) hoặc dùng để dự phòng (dự phòng cơn đau thắt ngực). Anh/chị cần đọc phần này để xem thuốc có phù hợp với bệnh đang được điều trị hay không.
6. Chống chỉ định
Phải hiểu là “chống chỉ định tuyệt đối”, tức là không vì lý do nào đó được linh động dùng thuốc. Thí dụ: Thuốc được ghi chống chỉ định đối với trẻ dưới 15 tuổi, anh/chị phải tuyệt đối theo đúng điều này, đừng vì thấy trẻ 13 – 14 tuổi lớn con, có vẻ già dặn… anh/chị lại cho dùng thuốc.
7. Lưu ý – Thận trọng
Có thể được xem là “chống chỉ định tương đối” nghĩa là có những trường hợp không được dùng thuốc nhưng không cấm hoàn toàn. Thí dụ, thuốc ghi: “Người lái xe hay vận hành máy móc cần thận trọng khi sử dụng thuốc do thuốc có thể gây buồn ngủ ngầy ngật”, anh/chị nên hiểu người lái xe hay vận hành máy móc nếu phải làm việc nên tránh dùng thuốc, còn không làm việc vẫn có thể dùng. Hoặc thuốc ghi: “Thận trọng khi chỉ định cho trẻ dưới 2 tuổi”, có nghĩa là tốt nhất nên tránh dùng cho trẻ dưới 2 tuổi, nhưng vì sự cần thiết bác sĩ vẫn có thể chỉ định thuốc cho trẻ và theo dõi kỹ.
8. Cách dùng – Liều dùng
Ghi cách dùng thuốc như thế nào như: ngậm dưới lưỡi, uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch… Còn liều được ghi: liều dùng cho 1 lần, liều trong 24 giờ (tức trong một ngày). Liều cho một đợt điều trị. Thí dụ: Thuốc được ghi: 500 mg x 3 lần/ngày, trong 10 ngày, có nghĩa là mỗi lần dùng 500 mg thuốc (thường là uống 1 viên chứa 500 mg hoạt chất), dùng 3 lần trong ngày, dùng trong 10 ngày liên tiếp.
9. Thành phần
Ghi tên hoạt chất và các tá dược. Thí dụ thuốc có tên biệt dược là zentel hoặc albendazol trong thành phần ghi hoạt chất chính là albendazole là thuốc trị giun sán và thêm khá nhiều tá dược để tạo thành thuốc viên nén.
Anh/chị cần biết tên hoạt chất vì đây chính là tên thuốc dùng cho việc điều trị. Nhiều người cao tuổi tự ý dùng nhiều loại biệt dược khác nhau, tưởng là các loại thuốc khác nhau, nhưng thực chất chỉ là một loại hoạt chất đưa đến ngộ độc vì dùng quá liều (ở nước ngoài thường xảy ra vụ người già ngộ độc Paracetamol).
10. Hạn chế dùng thuốc kháng sinh
Với thói quen tự mua thuốc chữa trị…và các nhà thuốc cho các toa thuốc hầu như 100% đều chứa các loại kháng sinh, điều này làm cho người Việt ngày càng khó điều trị khi có bệnh vì tình trạnh kháng thuốc đã đến mức báo động. Anh/chị phải tỉnh táo khi tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc (nói rõ về việc không muốn dùng kháng sinh và nên tra cứu xem thuốc anh/chị đang dùng phải là loại kháng sinh không và chỉ dùng khi thật sự cần thiết). Trong trường hợp dùng thì phải dùng đủ liều lượng để hạn chế việc kháng thuốc.
11. Cách dùng nước để uống thuốc
Một số bệnh nhân dùng ít nước hoặc thậm chí là không dùng nước để uống thuốc mà nuốt khan viên thuốc. Với cách này, thuốc có thể bị vướng, mắc ở thực quản gây tổn thương thực quản. Mặt khác, do không có đủ nước để làm tan thuốc, một số loại thuốc sẽ kết thành sỏi trong cơ thể. Do vậy, khi uống thuốc cần lưu ý là phải uống với khoảng 100-150 ml nước để làm hạn chế tác hại này của thuốc.
Không nên uống thuốc bằng nước trà lý do là trong trà có chất tanin, khiến nhiều loại thuốc mất tác dụng. Những thuốc trong thành phần có chứa sắt khi uống chung với nước trà không phát huy được tác dụng.
Dùng nước nho ép và một số nước trái cây khác để uống thuốc có thể làm giảm tác dụng và làm tăng phản ứng phụ của thuốc chữa bệnh, lý do nước trái cây có thể ức chế các men trong quá trình hấp thụ thuốc, chẳng hạn như thuốc điều trị bệnh tim mạch và thuốc chống nấm.
Không nên dùng với các loại nước khác như sữa, côca, cà phê, rượu… đều có tương tác với thuốc, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, thậm chí gây hại.
Một chú ý quan trong nữa đối với những anh chị đang dùng nước điện giải ion kiềm hằng ngày từ máy điện giải để phòng và hỗ trợ điều trị bệnh – nâng cao sức khỏe thì không nên dùng nước này để uống thuốc tây (thực phẩm chức năng và đông y thì ngược lại nên dùng với nước này uống sẽ rất tốt). Vì thuốc tây được bào chế trong môi trường trung tính, nên dùng nước điện giải ion kiềm để uống sẽ làm mất tác dụng của thuốc. Để tìm hiểu thêm về nước điện giải ion kiềm và máy tạo ra nó, anh chị có thể xem [Ở ĐÂY]
Chúng tôi là một nhóm sinh viên đại học Y Dược, thành lập website nguoibenh.com.vn với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh tất cả mọi thông tin cần thiết liên quan đến thuốc, bệnh, quy trình khám bệnh, bác sĩ giỏi…và sắp tới là khám bệnh trực tuyến miễn phí. Chúng tôi hiểu và chia sẻ khó khăn với những người mắc phải một triệu chứng hoặc không may là một căn bệnh nào đó. Mới ra đời năm 2016 nên rất ít người bệnh biết đến website, vì thế chúng tôi rất cần quý anh/chị giúp chúng tôi một tay bằng cách giới thiệu cho người quen của mình hoặc đơn giản là chia sẻ website lên Facebook, Google Plus…để nhiều người bệnh hơn nữa biết đến trang web. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và cùng hi vọng ngày càng nhiều người bệnh được giúp đỡ.