Hướng dẫn khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện khám chữa bệnh hàng đầu và trong cả nước, có lịch sử lâu đời và quy mô lớn. Theo đánh giá của nguoibenh.com.vn, điểm mạnh của Chợ Rẫy là khám và chữa trị các bệnh nặng, rất nặng liên quan đến nội khoa như Gan, Thận, Tim…(gần đây là Ung Bướu – trung tâm mới mở của Chợ Rẫy), những bệnh mà các bệnh viện tuyến tỉnh không thể xử lý được. Tuy nhiên, vì ra đời khá lâu và phải hoạt động liên tục nên bệnh viện cũng không nâng cấp kịp so với xu hướng, nhiều nơi còn khá cũ kỹ, quá tải…
Trong bài viết này, chúng tôi cố găng cung cấp cho anh/chị những thông tin hữu ích, điều cần lưu ý và quy trình các bước khi đến khám chữa bệnh tại đây.
I. Di chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy
Từ bến xe Miền Đông đến bệnh viện Chợ Rẫy: khoảng cách khoảng 11 km. Đường đi ngắn nhất và ít kẹt xe là: Bến xe Miền Đông – Đinh Bộ Lĩnh – Điện Biên Phủ – Võ Thị Sáu – 3 tháng 2 – Nguyễn Kim – Nguyễn Chí Thanh. Nếu anh/chị đi bằng xe ôm thì tốn khoảng 70 đến 80 ngàn đồng, đi trong 25 phút. Nếu chọn Taxi thì chi phí khoảng 160 ngàn đồng, đi trong 30 phút. Nếu đi bằng xe Buýt, anh/chị có các lựa chọn sau: tuyến số 14 – xuất phát từ bến xe Miền Đông (đậu trong bến xe luôn) đi đến đường 3 Tháng 2 giao với Lê Đại Hành thì anh/chị phải xuống để đón xe ôm đi vào tiếp (thêm 1km), các tuyến số 8, 10, 19, 45 – anh/chị ra trước cổng bến xe Miền Đông và đứng ngay trạm xe buýt để đi (anh/chị cũng phải đi bộ vào vài trăm mét mới đến bệnh viện).
Toàn cảnh bệnh viện Chợ Rẫy tại TP. Hồ Chí Minh
Từ bến xe Miền Tây đến bệnh viện Chợ Rẫy: khoảng cách chừng 5-6 km. Đường đi ngắn nhất và ít kẹt xe là: Bến xe Miền Tây – Kinh Dương Vương – Nguyễn Thị Nhỏ – Nguyễn Chí Thanh. Nếu anh/chị đi bằng xe ôm thì tốn khoảng 30-40 ngàn. Nếu Taxi thì khoảng khoảng 80-90 ngàn. Nếu đi bằng xe Buýt, anh/chị có thể đi các tuyến 10, 14 và 45 – xuất phát từ bến xe Miền Tây và đi qua bệnh viện Chợ Rẫy (anh/chị có thể phải đi bộ vài chục mét). Anh/chị cũng cần lưu ý là hầu như các nhà xe ở bến xe Miền Tây đều có xe đưa rước miễn phí đến bệnh viện Chợ Rẫy nên cần xem xét điều này trước tiên.
Anh/chị có thể xem bản đồ đường đi đến bệnh viện Chợ Rẫy [Tại Đây]
II. Các hình thức khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy
- Khám thường: đây là hình thức khám bệnh chính thống, phổ biến của bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Anh/chị đi thẳng vào cổng chính bệnh viện (201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5), sau đó vào Khu khám bệnh I. Chi phí khám bệnh là 60.000 đồng/01 chuyên khoa (không có bảo hiểm y tế). Trong trường hợp anh/chị có bảo hiểm y tế đúng tuyến (có BHYT và có giấy chuyển tuyến đúng tuyến về bệnh viện Chợ Rẫy) thì anh chị sẽ được miễn phí tiền khám bệnh này. Tuy nhiện, có BHYT nhưng trái tuyến thì anh/chị cũng phải đóng chi phí như không có BHYT (theo luật hiện hành, chỉ khi nào anh/chị điều trị nội trú – nằm viện thì mới được BHYT chi trả 40% cho trường hợp BHYT trái tuyến). Hiện tại bệnh viện Chợ Rẫy có hỗ trợ anh/chị đặt lịch hẹn khám qua tổng đài (08)1080 đối với hình thức khám bệnh này (hạn chế việc phải đợi lâu). Thời gian khám như sau: đăng ký khám bệnh (từ 5h30 sáng đến 4h chiều), khám bệnh tại phòng khám (từ 6h sáng đến khi nào hết bệnh, không nghỉ trưa).
- Khám dịch vụ (khám theo yêu cầu): về cơ bản cũng giống như khám thường ở trên, việc sinh ra hình thức khám bệnh này chủ yếu là để giảm bớt bệnh nhân ở hình thức khám bệnh thường. Dĩ nhiên, khi khám bằng hình thức này, anh/chị có thể được khám nhanh hơn, phục vụ chu đáo hơn (máy lạnh khi ngồi đợi…), nhưng kèm theo đó là anh/chị không được sử dụng BHYT. Chi phí khám bệnh là 125.000 đồng/01 chuyên khoa. Đây được xem là Khu khám bệnh II của bệnh viện Chợ Rẫy, nằm tại 620 Nguyễn Chí Thanh, Phường 4, Quận 11 (đối diện cổng chính bệnh viện Chợ Rẫy). Lúc trước, khu khám dịch vụ này nằm trong khuôn viên bệnh viện – cổng Phạm Hữu Chí, nhưng nay đã dời về tòa nhà phía đối diện cổng chính bệnh viện. Hình thức khám này hiện chưa được hỗ trợ đặt lịch hẹn khám qua điện thoại, anh/chị phải đến nơi và đăng ký khám. Tuy nhiên, nếu có thắc mắc, anh/chị cứ gọi vào số điện thoại dành riêng cho khám dịch vụ (08)39559856 (giờ hành chính) để được giải đáp. Thời gian khám như sau: đăng ký khám bệnh (từ 5h30 sáng đến 4h chiều), khám bệnh tại phòng khám (từ 6h sáng đến khi nào hết bệnh, không nghỉ trưa).
- Khám chuyên gia: đây là hình thức khám bệnh mới được triển khai từ tháng 8/2015 nhằm phục vụ người bệnh tốt hơn (nhanh hơn, chất lượng hơn). Theo hình thức này, anh/chị sẽ được các chuyên gia như Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, trưởng/phó khoa trực tiếp khám. Thêm vào đó, anh/chị còn có thể chỉ định bác sĩ khám cho mình. Anh/chị vào cổng chính bệnh viện (201B Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5), vào Khu khám bệnh I, sau đó lên lầu 1, sẽ có 4 phòng khám chuyên gia. Tại đây có bàn tiếp nhận bệnh của dành riêng cho hình thức khám này, anh/chị cứ làm theo hướng dẫn. Hình thức khám này đang có 5 chuyên khoa: Nội Tổng Quát, Nội Tiết, Ngoại Thần Kinh (khám vào thứ hai và thứ năm), Nội Tim Mạch, Cơ Xương Khớp, Chỉnh Hình (khám vào thứ ba và thứ sáu), Nội Tiêu Hóa, Ngoại Tiêu Hóa, Gan Mật Tụy (khám vào thứ tư), Tai Mũi Họng (khám vào sáng thứ ba, sáng thứ tư và sáng thứ năm), Mắt (khám các ngày trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu). Chi phí khám là 500.000 đồng/01 chuyên khoa (không áp dụng BHYT). Thời gian khám là từ thứ 2 đến thứ 6 (sáng: từ 7 giờ đến 11 giờ, chiều: từ 13 giờ đến 16 giờ), thứ 7, chủ nhật, ngày lễ nghỉ. Hình thức này cũng có hỗ trợ đặt lịch hẹn khám qua tổng đài (08)1080.
- Khám chuyên về Ung Bướu: với việc các bệnh về Ung thư ngày càng nhiều, bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập riêng 01 trung tâm Ung Bướu từ tháng 5/2015 với chức năng chuyên khám và điều trị các bệnh về Ung Bướu. Nếu anh/chị hay người thân có triệu chứng liên quan đến Ung Bướu thì nên đến khám ở đây. Anh/chị có thể đi vào cổng chính bệnh viện Chợ Rẫy và hỏi bảo vệ lối đi vào Trung tâm Ung Bướu, hoặc đi vào cổng số 6 của bệnh viện (đường Lý Thường Kiệt quẹo vào đường Bà Triệu). Chi phí khám cũng giống như hình thức “Khám thường” ở trên, 60.000 đồng. Nếu có BHYT đúng tuyến (giấy chuyển tuyến đúng tuyến) thì được miễn phí (có BHYT nhưng trái tuyến thì vẫn đóng 60.000 đồng). Hình thức khám này cũng có hỗ trợ đặt lịch hẹn khám thông qua tổng đài 19007274. Anh/chị nếu muốn khám xong trong ngày thì phải gọi trước cả tháng để đặt lịch hẹn vì thường khám về Ung Bướu phải thực hiện rất nhiều cận lâm sàng (siêu âm, X quang, sinh hoá, CT-MRI…). Thời gian khám như sau: đăng ký khám bệnh (từ 5h30 sáng đến 4h chiều), khám bệnh tại phòng khám (từ 6h sáng đến khi nào hết bệnh, không nghỉ trưa).
Lưu ý: chỉ trừ hình thức khám Chuyên gia, các hình thức khám con lại ở bệnh viện Chợ Rẫy không cho phép chỉ định bác sĩ khám.
Sơ đồ tổng quan các khu khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
III. Quy trình tiếp nhận và khám ban đầu của bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM
Trước tiên chúng tôi giải thích cho anh/chị khái niệm “Cận lâm sàng” là gì? Vì anh/chị sẽ gặp khái niệm này rất nhiều khi đi khám bệnh.
Cận lâm sàng: là việc áp dụng các phương tiện, kỹ thuật vào việc chuẩn đoán và điều trị cho người bệnh, hiểu đơn giản “Cận lâm sàng” là đi làm các xét nghiệm (máu, nước tiểu, đàm…), chuẩn đoán hình ảnh (X quang, CT, MRI, siêu âm…), nội soi, điện tim, điện não…tấc cả những dịch vụ gì mà có sự hỗ trợ của phương tiện, kỹ thuật.
Chúng tôi sẽ hướng dẫn quy trình của hình thức khám phổ biến nhất ở Chợ Rẫy là “Khám thường”, với các hình thức khám bệnh khác cũng tương tự như vậy (nên nếu anh/chị có khám bệnh theo hình thức khác thì cũng nên đọc bài viết này vì nó tương tự nhau).
Trước khi đến khám, anh/chị nên gọi điện để đặt hẹn trước (gọi trước ít nhất 01 ngày). Điều này giúp anh/chị giảm rất nhiều thời gian chờ đợi hay phải vất vả đến bệnh viện thật sớm (3-4h sáng). Gọi vào số điện thoại đặt lịch hẹn khám (có cung cấp ở trên), cung cấp thông tin: số điện thoại, họ và tên, địa chỉ, ngày khám, có BHYT đúng tuyến không, khám khoa gì (nếu không biết thì cứ nói nhu cầu hoặc triệu chứng, nhân viên trực điện thoại sẽ tư vấn khoa nào anh chị cần khám). Trong trường hợp tái khám thì chỉ cần cung cấp “số hồ sơ khám” lần trước là đủ – gồm 10 số ghi trong sổ khám bệnh lần trước (nếu không thì cũng chẳng sao, cung cấp thông tin cá nhân là được). Sau đó, nhân viên trực điện thoại tổng đài sẽ cung cấp cho anh/chị chính xác thời gian sớm nhất mà anh chị sẽ được khám. Nếu vào thời điểm đó, anh/chị không thu xếp được thì có thể báo với nhân viên tổng đài 01 thời điểm nào khác mà anh chị muốn. Nếu thời điểm này phù hợp, nhân viên tổng đài sẽ lưu thời gian này vào hệ thống máy tính và chốt lại lịch hẹn với anh/chị. Đến ngày khám, anh/chị chỉ cần đến trước giờ hẹn này khoảng 15 phút để làm một số thủ tục đơn giản là có thể vào khám đúng giờ hẹn.
Trong trường hợp anh/chị không hẹn lịch khám qua điện thoại thì nên đến bệnh viện khoảng 4-5h sáng để lấy số thứ tự thì mới có thể hoàn thành việc khám trong buổi sáng (nếu có làm nhiều cận lâm sàng).
Khi đến bệnh viện Chợ Rẫy, anh/chị nên gửi xe tại các vị trí như sau:
- Bãi giữ xe Cổng số 3, đường Thuận Kiều. Đây là bãi gửi xe của bệnh viện Chợ Rẫy dành cho người bệnh (các bãi còn lại trong bệnh viện không cho người bệnh gửi, mà dành cho nhân viên bệnh viện). Tuy nhiên, nếu đến trước 6h sáng thì cổng số 3 chưa mở, mặc dù bãi gửi xe vẫn hoạt động, khi đó anh/chị phải chạy vòng từ cổng số 2 đường Nguyễn Chí Thanh ra bãi giữ xe cổng số 3. Chi phí mỗi lần gửi là 4.000 đồng đối với xe tay ga, 3.000 đồng đối với xe số.
- Các bãi xe tư nhân trên đường Lê Đại Hành (đối diện cổng chính bệnh viện): chi phí mỗi lần gửi là 5000 đồng.
Anh/chị vào cổng chính bệnh viện và đến Khu khám bệnh I (xem trong Sơ đồ tổng quan bệnh viện Chợ Rẫy ở trên). Nếu anh/chị chưa gọi điện đặt lịch hẹn khám thì anh/chị đến quầy cấp số thứ tự (xem vị trí (1) trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên) . Trước quầy cấp số thứ tự này có bàn đặt Phiếu đăng ký khám bệnh và thường có kèm theo các số thứ tự bên cạnh. Anh/chị nào đến trước thì lấy số thứ tự nhỏ, đến sau thì lấy số thứ tự lớn hơn…Tuy nhiên, có đôi khi bệnh viện không để số thứ tự ở đây mà anh/chị phải xếp hàng tại quầy cấp số thứ tự để nhận (nhưng thường sau 8h sáng thì không cần lấy số thứ tự nữa vì lúc này không nhiều người đăng ký khám bệnh). Anh/chị điền thông tin đầy đủ vào Phiếu đăng ký khám bệnh. Chú ý là nếu tái khám thì ghi lại số hồ sơ khám lần trước vào (nếu khám lần đầu thì không cần quan tâm), nếu không biết bệnh của mình là thuộc chuyên khoa nào thì cứ để trống – khi gặp nhân viên tiếp nhận thì nói các triệu chứng, họ sẽ chỉ định cho anh/chị. Sau khi điền đầy đủ thông tin vào Phiếu đăng ký khám bệnh, anh/chị đứng đợi tại Khu nhận bệnh – gồm 04 bàn làm việc từ bàn số 2 đến bàn số 5 (xem vị trí (2) trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên). Nhìn trên bảng điện tử tại đây để biết số thứ tự của mình là nộp vào bàn nào. Khi đến số thứ tự của mình thì nộp Phiếu đăng ký khám bệnh và số thứ tự vào (nếu anh/chị đến khám vào thời điểm ít người – không cần cấp số thứ tự thì cứ xếp hàng vào bàn số 2 mà không quan tâm đến con số trên bảng điện tử). Nhân viên tiếp nhận bệnh sẽ trao đổi thêm thông tin với anh/chị và đề xuất chuyên khoa mà anh chị cần khám. Anh/chị nộp tiền phí khám bệnh (60.000 đồng/01 chuyên khoa), sau đó nhân viên tiếp nhận bệnh sẽ gửi lại cho anh/chị Phiếu thứ tự khám bệnh có ghi số phòng khám, chuyên khoa, số thứ tự, họ và tên, năm sinh…Anh/chị có thể khám nhiều chuyên khoa nếu muốn (vd: có thể khám chuyên khoa Thần kinh nếu thấy đâu đầu, chuyên khoa Xương khớp nếu thấy đau nhức xương khớp hoặc yêu cầu khám cả 2 đều được). Chú ý rằng nếu anh/chị có BHYT và có giấy chuyển tuyến đúng tuyến thì trong Phiếu đăng ký khám bệnh, đánh dấu vào ô “Có BHYT” đồng thời nộp kèm giấy chuyển tuyến này cho nhân viên tiếp nhận bệnh để được miễn phí tiền phí khám bệnh.
Quầy làm thủ tục khám chửa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân chờ khám tại Bệnh viện Chợ Rẫy
Trong trường hợp anh/chị đã hẹn lịch khám qua tổng đài điện thoại, thì anh/chị không cần điền Phiếu đăng ký khám bệnh và lấy số thứ tự tiếp nhận bệnh. Trước thời gian đã hẹn khám khoảng 15 phút anh chị phải có mặt tại Khu khám bệnh I này, đi thẳng vào Khu nhận bệnh – bàn số 1 (dành riêng cho những ai đăng ký lịch hẹn khám qua tổng đài), xếp hàng chờ đến lượt mình, nói với Nhân viên tiếp nhận tại bàn số 1 anh/chị đã đặt lịch hẹn qua tổng đài và cung cấp các thông tin cá nhân (giống như lúc đăng ký qua tổng đài). Đóng tiền khám bệnh cho nhân viên tiếp nhận và nhận lại Phiếu thứ tự khám bệnh có ghi số phòng khám, chuyên khoa, số thứ tự, họ và tên, năm sinh…(với số thứ tự này thì anh/chị sẽ được khám đúng thời gian mà anh/chị đã hẹn trước đó). Chú ý là nếu anh/chị có giấy chuyển tuyến đúng tuyến thì nộp vào để được miễn phí khám bệnh nhé.
Chú ý: Trong trường hợp anh/chị đến bệnh viện Chợ Rẫy chỉ để làm một số cận lâm sàng mà mình muốn hoặc từ chỉ định của bác sĩ bên ngoài Chợ Rẫy (có giấy chỉ định của bác sĩ) thì anh/chị không phải đến Khu nhận bệnh mà đi thẳng vào Phòng tiếp nhận cận lâm sàng (xem vị trí (3) trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên). Gặp nhân viên tại phòng này và nói yêu cầu của mình (nộp giấy chỉ định của bác sĩ nếu có). Nhân viên tiếp nhận sẽ ra Phiếu chỉ định cận lâm sàng tương ứng cho anh/chị (có ghi số tiền cần đóng). Anh/chị cầm Phiếu chỉ định cận lâm sàng này đem đến các quầy thu ngân (tại một trong các vị trí (4), (4′), (4”) trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên) và nộp vào để được gọi tên lên đóng tiền. Sau khi đóng tiền xong, thu ngân sẽ gửi lại hóa đơn và đóng dấu đã thu tiền vào Phiếu chỉ định cận lâm sàng này đồng thời bấm kèm theo các phiếu nhỏ có ghi số thứ tự thực hiện cận lâm sàng tương ứng (vd: xét nghiệm máu là số thứ tự bao nhiêu/phòng nào, siêu âm là số thứ tự bao nhiêu/phòng nào). Sau đó anh/chị sẽ tiến hành thực hiện cận lâm sàng tương ứng theo các số thứ tự này (xem mục IV bên dưới). Nên nhớ là nếu có giấy chỉ định của bác sĩ và giấy chuyển tuyến đúng tuyến thì anh/chị sẽ được BHYT chi trả chi phí thực hiện cận lâm sàng nếu cận lâm sàng đó nằm trong danh mục của BHYT.
Sau khi có Phiếu thứ tự khám bệnh, anh/chị cầm phiếu này đến đúng phòng khám ghi trên phiếu (nằm tại lầu 1 – xem thêm vị trí các phòng khám trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên bằng cách click vào hình sơ đồ để thấy chi tiết), chờ đến số thứ tự của mình (nhìn trên bảng điện tử trước mỗi phòng khám), vào phòng khám và nộp cho điều dưỡng Phiếu thứ tự khám bệnh này. Trong trường hợp anh/chị sử dụng BHYT (có giấy chuyển tuyến đúng tuyến) thì nộp cho điều dưỡng Thẻ BHYT, Giấy CMND (nếu không thì có thể thay bằng thẻ có hình như giấy phép lái xe), Giấy chuyển tuyến. Sau khi Điều dưỡng sẽ đo huyết áp, anh/chị sẽ được bác sĩ khám dựa vào các triệu chứng và các kết quả cận lâm sàng mà anh/chị thực hiện trước đó (nếu có). Vì vậy, nên chú ý khi đi khám phải mang theo hết các kết quả cận lâm sàng mà mình đã thực hiện trước đó (kể cả tại các bệnh viện, phòng khám ở tỉnh…). Từ đó, bác sĩ có thể chuẩn đoán bệnh và kê toa luôn nếu đủ cơ sở hoặc thường sẽ yêu cầu anh/chị thực hiện một số cận lâm sàng nào đó cần thiết cho anh/chị. Nếu xác định được bệnh và bác sĩ kê toa thuốc luôn thì anh/chị đơn giản là đến nhà thuốc của bệnh viện để mua và xem như kết thúc việc khám bệnh ở đây (với trường hợp có BHYT đúng tuyến, vui lòng xem chỉ dẫn cuối bài viết về việc lãnh thuốc miễn BHYT miễn phí tại bệnh viện Chợ Rẫy). Còn nếu bác sĩ chỉ định cho anh/chị thực hiện cận lâm sàng (thông qua Phiếu chỉ định cận lâm sàng) thì anh/chị cầm phiếu chỉ định cận lâm sàng này đem đến các quầy thu ngân (tại một trong các vị trí (4), (4′), (4”) trong sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên) và nộp vào để được gọi tên lên đóng tiền (nếu đông quá thì có phát số thứ tự tại quầy hướng dẫn bên cạch quầy thu ngân này). Sau đó, nhận lại các hóa đơn thu tiền và phiếu chỉ định cận lâm sàng từ thu ngân (có đóng thêm dấu đã thu tiền) bấm kèm vào các phiếu nhỏ có ghi số thứ tự tương ứng cho từng cậm lâm sàng phải thực hiện (vd: xét nghiệm máu là số thứ tự bao nhiêu/phòng nào, siêu âm là số thứ tự bao nhiêu/phòng nào). Sau đó anh/chị sẽ tiến hành thực hiện cận lâm sàng tương ứng theo các số thứ tự này (xem mục IV bên dưới). Trường hợp anh/chị có BHYT đúng tuyến thì anh/chị sẽ được BHYT chi trả chi phí thực hiện các cận lâm sàng này nếu chúng nằm trong danh mục của BHYT (có một số cận lâm sàng phức tạp nằm ngoài danh mục chi trả của BHYT thì BHYT sẽ không thanh toán, hoặc có một số cận lâm sàng chỉ được BHYT thanh toán 01 phần – phần còn lại người bệnh phải thanh toán).
IV. Quy trình thực hiện các cận lâm sàng
Anh/chị cầm Phiếu chỉ định cận lâm sàng có bấm kèm các phiếu thứ tự thực hiện cậm lâm sàng đến lần lượt các phòng thực hiện cận lâm sàng có ghi trên phiếu để nộp vào (chú ý là không rứt rời từng phiếu thứ tự cận lâm sàng ra mà cứ để nguyên như ban đầu và nộp cả vào – không cần nộp các hóa đơn thu tiền). Về nguyên tắc, anh/chị phải chờ đến lượt mình (xem số thứ tự hiển thị trên bảng điện trước mỗi phòng thực hiện cận lâm sàng), anh/chị cầm Phiếu chỉ định cận lâm sàng có bấm kèm các phiếu thứ tự nộp cho nhân viên trực ở các phòng để được sắp xếp thực hiện cận lâm sàng. Tuy nhiên, có nhiều thời điểm anh/chị cứ đưa luôn các phiếu này cho nhân viên trực này (hoặc nộp vào rổ tiếp nhận ở ngoài các phòng) mà không quan tâm đến các số thứ tự nhảy trên bảng điện tử. Các nhân viên trực phòng sẽ tiếp nhận các giấy tờ anh/chị đưa, kiểm tra thông tin có chính xác hay không (có thể lưu thông tin vào máy vi tính…) và sắp xếp cho anh/chị thực hiện cận lâm sàng. Nghe gọi đến tên mình, anh/chị vào phòng và thực hiện cận lâm sàng. Sau khi hoàn thành, nhân viên trực phòng sẽ gửi lại cho anh/chị Phiếu chỉ định cận lâm sàng đã nộp nhưng rứt bỏ tờ Phiếu thứ tự cận lâm sàng anh/chị đã vừa thực hiện và thay vào đó là Phiếu hẹn trả kết quả cho cận lâm sàng này (thời gian, địa điểm trả kết quả). Tiếp theo, anh/chị đi đến phòng cận lâm sàng kế tiếp…cứ như vậy cho đến khi hết tấc cả các cận lâm sàng được chỉ định.
Theo kinh nghiệm của chúng tôi, thì anh/chị nên nộp vào khâu lấy máu/nước tiểu xét nghiệm trước nếu anh/chị có được chỉ định cận lâm sàng này (vì khâu này thực hiện nhanh nhưng chờ kết quả thì lâu, đồng thời anh/chị có thể ăn sáng sau đó nếu có thể).
Có nhiều cận lâm sàng, khi nộp cho nhân viên trực phòng là buổi sáng như có thể anh/chị phải đến chiều mới thực hiện (anh/chị xem trên phiếu thứ tự thực hiện cận lâm sàng có ghi “khám vào buổi chiều” hoặc anh/chị được nhân viên trực phòng thông báo điều này). Ví dụ, Siêu âm tổng quát là thường xảy ra vấn đề này, mặc dù anh/chị nộp phiếu thứ tự khoảng 9-10h sáng nhưng thường phải đến đâu giờ chiều thì anh/chị mới được siêu âm (vì cận lâm sàng này hầu hết ai cũng được chỉ định thực hiện và thời gian thực hiện Siêu âm cho 1 người phải mất khoảng 20 phút).
Về việc anh/chị lo khi thực hiện cận lâm sàng này, thì cận lâm sàng kia vượt quá số thứ tự thì sao? Việc này anh/chị không phải lo, đừng quan tâm có vượt quá hay không, khi đến phòng cận lâm sàng kế tiếp mà thấy số thứ tự của mình bị vượt (hoặc lúc đó không hiển thị số thứ tự trên màn hình nên mình không biết thế nào), anh chị cứ nộp vào rổ tiếp nhận hoặc đưa trực tiếp cho nhân viên trực phòng đó, họ sẽ sắp xếp anh chị vào thực hiện liền nếu anh/chị đã đến số thứ tự
Về vị trí của các phòng thực hiện cận lâm sàng, anh/chị vui lòng xem trong Sơ đồ Khu khám bệnh I ở trên (nhớ click vào hình để xem rõ chi tiết). Tuy nhiên, có một vấn đề lưu ý là đối với cận lâm sàng chụp CT và MRI, bệnh viện Chợ Rẫy có thể sẽ đưa anh/chị đến bệnh viện Chuyên Khoa Ngoại Thần Kinh Quốc Tế để thực hiện (đây là bệnh viện liên kết với khoa Chuẩn đoán hình ảnh bênh viện Chợ Rẫy) vì có thể bệnh viên Chợ Rẫy bị quá tải đối với cận lâm sàng này (nếu anh/chị có giấy chuyển viện đúng tuyến đến bệnh viện Chợ Rẫy thì bác sĩ chỉ định cận lâm sàng ở Chợ Rẫy sẽ viết tiếp giấy chuyển viện đúng tuyến đến bệnh viện này để anh/chị được hưởng BHYT như ở Chợ Rẫy). Khi đó, anh/chị sẽ được đưa đi và đưa về (từ Chợ Rẫy đến bệnh viện Chuyên Khoa Ngoại Thần Kinh Quốc Tế – 65A Lũy Bán Bích, Phường Tân Thới Hòa, Quận Tân Phú) bằng xe 16 chỗ ngồi.
Bước cuối cùng của việc thực hiện cận lâm sàng là anh/chị canh thời gian trên các phiếu hẹn trả kết quả, đến các vị trí có ghi trên phiếu, xuất trình phiếu hẹn để nhận lại kết quả cận lâm sàng.
V. Các bước cuối cùng hoàn tất việc khám bệnh tại Chợ Rẫy
Anh/chị mang hết các kết quả cận lâm sàng đã có và giấy chỉ định cận lâm sàng vào lại đúng phòng khám ban đầu. Anh/chị vào nộp lại cho Điều dưỡng tại phòng này và sẽ được sắp xếp để gặp lại bác sĩ (không chờ ở ngoài, không phải đợi đến lượt gì cả). Dựa vào các kết quả cận lâm sàng này, bác sĩ chuyên khoa sẽ chuẩn đoán và kết luận bệnh cho anh/chị (một số trường hợp đặc biệt, bác sĩ có thể cho anh/chị làm thêm các cận lâm sàng khác nếu cần thiết). Sau đó, bác sĩ sẽ ra toa thuốc (nếu có) và căn dặn các điều cần thiết cho anh/chị cùng với lịch tái khám (nếu có). Nếu anh/chị không thuộc diện được BHYT chi trả, đến nhà thuốc tại Tầng trệt để mua thuốc theo toa của bác sĩ và kết thúc việc khám bệnh tại đây. Trong một số trường hợp đặc biệt, bệnh nặng cần phẫu thuật/can thiệp… hoặc điều trị nội trú tại bệnh viện, anh/chị sẽ được các Điều dưỡng làm thủ tục để nhập viện.
Đối với trường hợp anh/chị thuộc diện được BHYT chi trả (có giấy chuyển tuyến đúng tuyến), thì anh/chị sẽ được BHYT cấp thuốc miễn phí. Anh/chị xuống tầng trệt Khu khám bệnh và hỏi bảo vệ vị trí nhà thuốc BHYT và đến đây. Tại đây, anh/chị sẽ thấy 01 bàn hướng dẫn có nhân viên (mặc áo xanh) ngồi trực, trên bàn có ghi chữ “Hướng dẫn lãnh thuốc BHYT”. Nhận số thứ tự lãnh thuốc từ nhân viên hướng dẫn (anh/chị được yêu cầu ký vào bảng kê đơn thuốc mà trước đó anh/chị đã được bác sĩ khám bệnh đưa). Có thể có một số loại thuốc không nằm trong danh mục BHYT, khi đó anh/chị sẽ phải đóng tiền thêm (từ quầy số 1 đến số 6). Còn lại, anh/chị đến quầy số 7 đến số 11 để được lãnh thuốc miễn phí (đến số thứ tự của mình thì nộp đơn thuốc, thẻ BHYT bản chính và số thứ tự vào, sẽ có người tiếp nhận và sau đó gọi tên lên để nhận thuốc)
VI. Một số lưu ý quan trọng khi khám bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy
- Tuyệt đối không thông qua “cò bệnh viện” ở trước bệnh viện Chợ Rẫy để được khám nhanh hơn. Đối với các bệnh viện như Ung Bướu TPHCM, bệnh viện Đại học Y dược TPHCM… các dịch vụ này là sử dụng được và anh/chị có thể bỏ ít tiền (từ 120.000 đến 200.000 đồng) cho các “cò bệnh viện” để được khám nhanh hơn (nhưng chúng tôi hoàn toàn không khuyến khích). Tuy nhiện, ở bệnh viện Chợ Rẫy, “cò bệnh viện” thường là lừa đảo, họ vẫn nhận tiền của anh/chị nhưng thực chất anh/chị vẫn không được khám nhanh hơn chút nào cả.
- Nguoibenh.com xin nói lại một lần nữa để anh chị rõ về việc khám BHYT. Chợ Rẫy là bệnh viện tuyến đầu (hạng 1) nên không thuộc danh sách các cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu của BHYT nên chắc chắn các anh/chị không thể mua BHYT tại bệnh viện này được. Vì vậy để áp dụng BHYT tại bệnh viện Chợ Rẫy, anh chị phải có giấy chuyển tuyến đúng tuyến (từ bệnh viện huyện chuyến đến tỉnh, từ bệnh viện tỉnh mới có thể giới thiệu anh/chị đến Chợ Rẫy…đó mới là đúng tuyến). Trong trường hợp anh/chị có BHYT nhưng trái tuyến thì khi khám chữa bệnh ngoại trú (không nhập viện) sẽ không được giảm trừ bất cứ chi phí nào (như người không có BHYT), nhưng nếu anh chị nhập viện điều trị (nội trú) thì sẽ được BHYT chi trả 40% các hạng mục thuộc BHYT.
- Khám bệnh lần đầu có giấy chuyển tuyến đúng tuyến thì bệnh viện có lưu lại thông tin của anh/chị trên hệ thống máy tính, nên lần sau nếu tái khám, anh/chị vẫn được hưởng BHYT như lần đầu mà không cần giấy chuyển tuyến đúng tuyến nữa.
- Khi tái khám, anh/chị thường được yêu cầu ghi lại số hồ sơ khám lần trước (gồm 10 con số). Đó là mã số bệnh nhân (Mã số BN) gồm 10 con số nằm trên góc phải của các giấy tờ mà bệnh viện Chợ Rẫy cấp cho anh/chị như Phiếu chỉ định cận lâm sàng, đơn thuốc…
Chúng tôi là một nhóm sinh viên đại học Y Dược, thành lập website nguoibenh.com.vn với mục đích hỗ trợ, giúp đỡ người bệnh tất cả mọi thông tin cần thiết liên quan đến thuốc, bệnh, quy trình khám bệnh, bác sĩ giỏi…và sắp tới là khám bệnh trực tuyến miễn phí. Chúng tôi hiểu và chia sẻ khó khăn với những người mắc phải một triệu chứng hoặc không may là một căn bệnh nào đó. Mới ra đời năm 2016 nên rất ít người bệnh biết đến website, vì thế chúng tôi rất cần quý anh/chị giúp chúng tôi một tay bằng cách giới thiệu cho người quen của mình hoặc đơn giản là chia sẻ website lên Facebook, Google Plus…để nhiều người bệnh hơn nữa biết đến trang web. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và cùng hi vọng ngày càng nhiều người bệnh được giúp đỡ.