Vì sao người cao tuổi thường mắc chứng đau nhức xương khớp?

Uncategorized

Càng lớn tuổi, sức khỏe xương khớp sẽ càng suy giảm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau nhức xương khớp ở người cao tuổi, chẳng hạn như cơ thể lão hóa, ăn uống thiếu chất hoặc mắc chứng thoái hóa sụn khớp, thoát vị đĩa đệm… Hiểu được nguyên nhân gây ra tình trạng đau nhức sẽ giúp việc điều trị dễ dàng hơn. 

Thống kê về tỉ lệ người mắc bệnh xương khớp tại Việt Nam & trên Thế Giới

1. Nguyên nhân nào dẫn đến chứng đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi. Nguoibenh.vn đã tổng hợp 5 nguyên nhân chính gây nên tình trạng này, cụ thể:

1.1. Cơ thể lão hoá khiến xương và sụn khớp suy giảm chức năng

Khi cơ thể dần trở nên lão hóa thì quá trình hình thành xương mới và sửa chữa, thay thế những xương hư hại sẽ dần suy giảm. Điều này khiến cho người lớn tuổi dễ mắc bệnh loãng xương, tức là mật độ xương thấp hơn người khỏe mạnh hay người trẻ, và cấu trúc xương cũng trở nên giòn, dễ vỡ hơn. Khi vận động mạnh hoặc té ngã đột ngột có thể gây nguy hiểm.

Người lớn tuổi thường có mật độ xương thấp hơn người trẻ hay người khỏe mạnh

Luôn song hành cùng xương là sụn khớp – phần tiếp giáp giữa 2 xương với nhau, giúp tạo lớp đệm bảo vệ, giảm chấn thương và lực ma-xát cho xương trong quá trình vận động. 

Lúc về già, sụn khớp sẽ dần mất nước làm suy giảm khả năng cản lực ma-xát tác động lên xương. Đồng thời dây chằng & các mô liên kết khác của sụn cũng trở nên kém đàn hồi, không còn linh hoạt như xưa. Những thay đổi này khiến biên độ hoạt động của khớp giảm, khi có tác động mạnh có thể gây viêm và đau khớp.

Các giai đoạn của thoái hóa sụn khớp

1.2. Lượng hormone trong cơ thể người lớn tuổi suy giảm

Có rất nhiều hormone liên quan mật thiết đến sự phát triển của xương. Ví dụ như nhóm hormone điều hòa canxi trong xương, bao gồm:

  • Hormone tuyến cận giáp (PTH): Giúp duy trì mức độ canxi và kích thích sự tái hấp thu, hình thành xương.
  • Calcitriol: Hormone có nguồn gốc từ Vitamin D, giúp kích thích ruột hấp thụ Canxi & Phosphor (phốt-pho) hiệu quả.
  • Calcitonin: Đóng vai trò như chất ức chế phân hủy xương, đồng thời giúp chống lại mức canxi quá cao trong máu.

Ngoài các hormone kể trên, còn có các hormone khác đóng vai trò quan trọng không kém. Chẳng hạn như nhóm hormone giới tính là Estrogen (nội tiết tố nữ) và Testosterone (nội tiết tố nam) đều có liên hệ mật thiết. Phụ nữ khi đến kỳ mãn kinh sẽ sụt giảm nồng độ Estrogen nhanh chóng, khiến cơ thể dễ mất xương nhanh hơn nam giới.  

Video: Chứng loãng xương, mất xương ở phụ nữ kỳ mãn kinh – Chia sẻ từ bác sĩ Wynn Huynh Tran

Tuổi tác tăng dần theo thời gian cũng khiến cho lượng hormone sản sinh ít đi, dẫn đến việc điều hòa, hấp thụ canxi vào xương bị suy giảm, góp phần gây nên tình trạng loãng xương nhanh chóng.

1.3. Té ngã gây chấn thương nghiêm trọng bên trong và ngoài cơ thể

Người cao tuổi thường xuyên dễ té ngã sẽ khiến tình trạng đau nhức, viêm nhiễm cơ xương khớp trầm trọng hơn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. 

Xem thêm về báo cáo khảo sát tỉ lệ té ngã ở người cao tuổi có thoái hóa khớp gối tại phòng khám Nội cơ xương khớp và phòng khám Lão khoa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: https://tapchiyhocvietnam.vn/index.php/vmj/article/view/5451

Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng này là do thiếu hụt vitamin D – chất dinh dưỡng thiết yếu giúp xương chắc khỏe. Ngoài ra, các bệnh lý liên quan như viêm khớp gối, bệnh gout, đau nhức dây chằng, viêm khớp bàn chân/ cổ chân… cũng góp phần gây nên việc té ngã không mong muốn.

Video: Té ngã (Fall): kẻ giết người thầm lặng ở người lớn tuổi –  Chia sẻ từ bác sĩ Wynn Huynh Tran

Mất ngủ kéo dài dẫn đến sử dụng thuốc ngủ cũng là một “kẻ thù thầm lặng” đối với người cao tuổi. Nhiều người uống thuốc ngủ đến khi thức dậy sẽ cảm thấy chóng mặt quay cuồng, khiến cơ thể lảo đảo, dễ mất thăng bằng. 

Xem thêm: Tại sao người già thường mất ngủ?

Hãy thường xuyên chú ý và quan tâm nhiều hơn đến ông bà, cha mẹ lớn tuổi trong gia đình, hỗ trợ họ trong lúc di chuyển & vận động, và chăm lo nhiều hơn đến tình trạng sức khỏe của họ để tránh tình trạng xấu xảy ra. 

1.4. Thừa cân và ít vận động cũng gây ra tình trạng đau nhức xương khớp

Báo cáo về Tác động của tình trạng thừa cân và béo phì lên hệ thống cơ xương của NIH (Mục Introduction, đoạn 1) có trích dẫn như sau: 

“Chỉ số khối cơ thể (BMI) tăng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh rối loạn cơ xương (MSD). Ngoài ra, ở những người béo phì, tỷ lệ mắc bệnh viêm xương khớp là 34% & hội chứng đau thắt lưng (LBP) là 22%”

Các nghiên cứu trên đã chỉ ra mối tương quan mật thiết giữa cân nặng và bệnh xương khớp. Việc thừa cân sẽ gây ra áp lực cho các khớp, nhất là vùng khớp gối, khớp háng và cột sống, khiến cơ thể thường xuyên đau nhức, khó khăn khi di chuyển. Về lâu dài, cơn đau có thể chuyển thành đau nhức mạn tính. 

Người lớn tuổi thừa cân cũng không phải hiếm có, lý do rõ ràng đến từ việc khó khăn trong vận động, đau nhức và mệt mỏi vì tuổi già. Nếu có thể, hãy khuyên nhủ và cùng với ông bà, cha mẹ thực hiện các bài tập vận động đơn giản, đi bộ quãng ngắn thường xuyên để giúp cải thiện tình trạng này. 

Hệ lụy của việc thừa cân đối với cơ xương khớp

1.5. Ăn uống thiếu chất khiến xương khớp yếu dần, dễ đau nhức

“Thiếu vi chất khiến cơ thể dễ mệt mỏi & suy yếu. Đặc biệt, thiếu Canxi gây ra rất nhiều bệnh tật tại 8 hệ thống cơ quan trên cơ thể” – Chia sẻ từ bác sĩ Trần Văn Phúc – một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014.

Video: Chia sẻ của bác sĩ Trần Văn Phúc về tình trạng rất nhiều người Việt thiếu Canxi 

Báo cáo của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ (NCBI) cũng đề cập đến việc chất dinh dưỡng và chế độ ăn uống có liên quan đến bệnh loãng xương. Cụ thể:

  • Các sản phẩm từ sữa dồi dào các chất canxi, phốt pho và magie là nguồn thực phẩm chính cung cấp dinh dưỡng có lợi cho xương (mục 2.1)
  • Các khoáng chất khác, chẳng hạn như kali hoặc magie, cũng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương (mục 2.2)
  • Khoảng 50% thể tích xương & khoảng ⅓ khối lượng xương được tạo thành từ protein, cho nên cơ thể cũng cần bổ sung chất dinh dưỡng này đầy đủ (mục 2.3)
  • Thêm vào đó Omega-3, Vitamin B-12, Kẽm cũng là các dưỡng chất cần được thêm vào chế độ ăn uống hằng ngày giúp xương khỏe mạnh (mục 2.4)

Sữa & các sản phẩm từ sữa được xem là nguồn cung cấp dinh dưỡng cho xương chắc khỏe hiệu quả

Bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng từ thực phẩm cũng rất quan trọng

Ngoài ra còn có các yếu tố khác tác động đến nguy cơ mắc chứng loãng xương, đau nhức xương khớp ở người lớn tuổi như là gen di truyền, sự thay đổi thời tiểt vào lúc giao mùa…

2. Có các cách nào để phòng tránh và điều trị chứng đau xương khớp an toàn, dễ dàng thực hiện tại nhà? 

2.1. Thường xuyên vận động 

Tuy về già sẽ không còn dẻo dai linh hoạt, khiến việc vận động gặp nhiều khó khăn, nhưng người lớn tuổi hãy nỗ lực thực hiện các bài tập đơn giản vừa phải, không cần tốn quá nhiều sức để giúp cải thiện tình trạng đau nhức:

  • Đi bộ xung quanh nhà, quanh sân giúp giãn gân cốt & luyện tập cơ xương, tránh tình trạng béo phì, thừa cân nặng.
  • Thực hiện các bài tập đơn giản có hướng dẫn của bác sĩ.
  • Lưu ý là cần luyện tập với cường độ đều đặn, liên tục để giúp cải thiện hiệu quả.

Video: Đau xương khớp ở người cao tuổi và các bài tập giúp giảm đau tại nhà | Alobacsi

2.2. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ trong bữa ăn và thức uống

Theo NCBI, việc tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, gia cầm, cá, các loại hạt và đậu, các sản phẩm từ sữa ít béo và tránh các sản phẩm thực phẩm chế biến sẽ có lợi cho sức khỏe xương, giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.

Tham khảo chế độ ăn uống tác động đến mật độ xương & tình trạng gãy xương ở các nhóm độ tuổi, giới tính (theo báo cáo của NCBI):

Bảng nghiên cứu chế độ ăn uống liên quan đến loãng xương

2.3. Sử dụng các liệu pháp trị liệu cho những trường hợp bị đau nhức nặng

Đối với các trường hợp đau nhức thường xuyên thì nên tham khảo các biện pháp trị liệu như nắn chỉnh cột sống, nắn chỉnh cơ xương… Hoặc sử dụng liệu pháp trị liệu bằng máy điện trường cao áp. 

Điện trường cao áp được xem là phương pháp trị liệu không dùng thuốc, tác động sâu vào cấp độ tế bào và mô cơ, xương khớp trong cơ thể. Liệu pháp này không chỉ giúp giảm đau hiệu quả mà còn hỗ trợ cải thiện các bệnh lý về xương khớp, hỗ trợ phục hồi do chấn thương, phục hồi sau vật lý trị liệu nhanh chóng.

Tác động của điện trường cao áp & sóng tần số thấp đến các vùng cơ, thần kinh cảm giác và khả năng lưu thông máu

Xem thêm: Điện trường cao áp – Phương pháp tiềm năng điều trị chứng đau nhức xương khớp ở người cao tuổi

2.4. Lưu ý đối với việc sử dụng thuốc giảm đau

Nhiều trường hợp vì đối phó với căn bệnh đau nhức kinh niên mà lựa chọn sử dụng thuốc giảm đau. Tuy nhiên, những tác dụng phụ của các loại thuốc này lại là “điểm mù” trong nhận thức, khiến người sử dụng thậm chí có nguy cơ mắc thêm nhiều bệnh lý nguy hiểm khác. 

Vì vậy khi sử dụng thuốc giảm đau, cần có hướng dẫn và liệu trình kê đơn từ bác sĩ, tránh tìm hiểu nửa vời hay sử dụng sai cách khiến cơ thể thêm suy nhược. 

Video: Lạm dụng thuốc giảm đau xương khớp ở người cao tuổi – Hiểm họa khó lường | Đài HTV

Hy vọng những chia sẻ trên đây giúp người đọc nắm thêm thông tin cơ bản về nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau nhức xương khớp, và các cách phòng tránh, điều trị phù hợp tại nhà. Hãy liên hệ ngay với Nguoibenh.vn nếu có bất cứ thắc mắc nào cần được giải đáp nhé.

Nguoibenh.vn – Trang tin tức sức khỏe trực tuyến chuyên cung cấp kiến thức y khoa Việt Nam.