Những biến chứng nguy hiểm của bệnh Gout mà ít ai biết đến

Uncategorized

Bệnh gout là một dạng của bệnh viêm khớp, có thể gây đau và sưng khớp. Lúc đầu, nó có xu hướng chỉ ảnh hưởng đến 1 khớp, thường xuyên nhất là ngón chân cái. Bệnh gout xảy ra ở những người có quá nhiều axit uric trong máu.

Những biến chứng có thể gặp ở người mắc bệnh gout

Hạt tophi

Hạt Tophi là biến chứng hay gặp của bệnh nhân bị bệnh gout. Hạt tophi thường được biểu hiện trông giống những khối u nhỏ, phồng phát triển trên các khớp ngay dưới da. Mặc dù phát triển bên dưới lớp da nhưng các hạt tophi vẫn có thể dễ nhận thấy được.

Hạt Tophi

Hạt tophi có lúc  ở tình trạng viêm cấp làm da nóng, đỏ. Theo thời gian, có thể to dần và vỡ chảy ra chất nhão và trắng như phấn, hoặc rỉ dịch vàng. Vết lở loét da do hạt tophi vỡ ất lâu liền, gây nhiễm trùng mạn tính. Nguyên nhân nhiễm trùng do hạt tophi ở những vị trí tỳ đè dễ cọ xát như bàn chân, bàn tay, khuỷu. Hoặc bệnh nhân tự chọc vào hạt tophi của mình. Dẫn đến loét và dò, vỡ và chảy dịch. Đây là con đường cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng hạt tô phi.

Biến chứng thận

Bệnh gout không chỉ gây tổn thương ở các khớp xương mà còn tác động đến nhiều cơ quan khác của cơ thể. Một trong những cơ quan chịu biến chứng nặng nề của gout chính là thận. Theo thống kê, khoảng 20% bệnh nhân gout có tổn thương thận.

Biến chứng thận

Bệnh gout gây tổn thương thận chủ yếu qua 2 cơ chế. Cơ chế trực tiếp gây bệnh là do lắng đọng tinh thể muối urat trực tiếp gây tổn thương đến cầu thận, ống thận gây tình trạng viêm, lâu ngày dẫn đến tình trạng giảm chức năng thận. Cơ chế gián tiếp là do quá trình hình thành sỏi thận từ tinh thể muối urat gây tình trạng tắc nghẽn, viêm đường tiết niệu, ứ nước, gây giảm chức năng thận.

Thực tế cho thấy, bệnh thận mạn tính là biến chứng thường gặp và nguy hiểm trên những người bị gout mạn tính. Bệnh thận mạn tính làm suy giảm chức năng lọc cầu thận dẫn tới giảm độ lọc của acid uric. Nồng độ acid uric trong máu tăng cao tích tụ lại làm trầm trọng thêm bệnh lý thận. Tạo nên một vòng xoắn bệnh lý nặng nề liên quan chặt chẽ với nhau.

Mức độ suy thận càng nặng, như trong giai đoạn cuối có thể đòi hỏi phải chạy thận nhân tạo lọc máu. Do đó làm tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm khác cho cơ thể, trong đó có tử vong.

Sỏi thận

Sỏi thận

Nếu bệnh gout không được điều trị đúng cách, những tinh thể urat lắng đọng rải rác ở tổ chức kẽ thận, bể thận, niệu quản. Lâu ngày hình thành sỏi uric, sỏi có thể nằm ở vị trí như trong đài bể thận. Hoặc gặp sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, sỏi niệu đạo.

Sỏi uric gây tắc nghẽn đài bể thận, ứ nước ứ mủ ở thận. Ngoài ra có thể dẫn tới tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu, tiểu máu do sự cọ sát của sỏi. Đôi khi bệnh nhân gặp cơn đau quặn thận dữ dội do sỏi di chuyển gây ra.

Biến chứng khác

Các biến chứng do dùng thuốc chống viêm giảm đau: Như viêm loét dạ dày tá tràng, suy gan, suy thận, xuất huyết tiêu hóa… Các biến chứng do dùng colchicine có thể gây ra tiêu chảy cấp, đặc biệt khi dùng quá liều. Các biến chứng do bị dị ứng thuốc (như allopurinol, kháng sinh…): bệnh nhân gout thường có cơ địa rất dễ bị dị ứng, thậm chí có bệnh nhân dị ứng tất cả các thuốc điều trị gout.

Đặc biệt, các biến chứng do dùng corticoid hay gặp do thuốc giảm đau nhanh chóng nên hay bị lạm dụng. Người bệnh thường uống thuốc theo mách bảo và thấy giảm đau tốt nghĩ là thuốc tốt, lần sau bị lại uống. Thuốc nhóm này làm giảm thải acid uric qua thận nên làm acid bị tích tự lại thành các hạt tophi, bệnh trở nên mạn tính. Ngoài ra, corticoid làm tăng nguy cơ loãng xương, tăng huyết áp, đái tháo đường, đục thủy tinh thể, xuất huyết tiêu hóa, suy thượng thận.

Những biến chứng của bệnh gout gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, khả năng lao động cũng như sinh hoạt của người bệnh. Thậm chí có những biến chứng đe dọa tới tính mạng bệnh nhân. Biết được các biến chứng của bệnh gout gây nên, người bệnh có thể chủ động phòng ngừa và hạn chế biến chứng xảy ra.

Phương pháp điều trị bệnh Gout

Để điều trị bệnh gút nói chung và bệnh gút ở người cao tuổi nói riêng, các bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định sử dụng hai loại thuốc bao gồm thuốc điều trị cơn gút cấp và thuốc ngăn chặn tiến triển của bệnh.

Thuốc điều trị cơn gút cấp được chỉ định khi cơn đau gút bùng phát mạnh. Một số loại thuốc có thể được sử dụng bao gồm:

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID (Naproxen, Ibuprofen, Diclofenac). Tuy nhiên cần tránh dùng NSAID cho người bị viêm loét dạ dày tiến triển.

– Corticosteroid: Thuốc corticosteroid (Prednisone) có thể được chỉ định cho bệnh nhân gút trong trường hợp không có đáp ứng với NSAID và chỉ nên sử dụng trong trường hợp có chỉ định từ bác sĩ do có nhiều tác dụng phụ không mong muốn.

– Thuốc giảm đau đặc hiệu Colchicine: giúp ức chế sự di chuyển của bạch cầu và ức chế các tinh thể urat.

Bên cạnh các loại thuốc điều trị giảm đau đối với các cơn gút cấp tính, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc nhằm ngăn ngừa nồng độ acid uric tăng lên có thể khiến bệnh gout tiến triển nhanh chóng và gây ra các biến chứng nguy hiểm. Các loại thuốc có thể kể đến như:

– Thuốc tăng đào thải acid uric (Lesinurad, Probenecid).

– Thuốc ngăn chặn sản xuất acid uric.

Tuy nhiên, các loại thuốc trên đều có những tác dụng phụ gây nguy hiểm đến sức khỏe, do đó chúng cần được kê đơn cẩn thận và không được tự ý dùng khi không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Chế độ sinh hoạt cho người cao tuổi bị bệnh gút

Lối sống, chế độ sinh hoạt là những yếu tố có ảnh hưởng đến trực tiếp đến nồng độ acid uric cũng như tiến triển của bệnh gout. Việc điều trị bệnh cần phải phối hợp với những chế độ này để có thể kiểm soát bệnh và dự phòng cơn đau phát sinh.

Những thói quen sinh hoạt và dinh dưỡng mà người cao tuổi cần lưu ý khi bị bệnh gút bao gồm:

– Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều purin như nội tạng, thịt đỏ, trứng, hải sản…

– Nên bổ sung thịt trắng như thịt gà, cá… Ăn nhiều rau xanh, đậu, sữa và các loại trái cây ít đường.

– Tuyệt đối không sử dụng rượu bia và đồ uống chứa cồn.

– Nên uống đủ nước mỗi ngày để hỗ trợ thận và ngăn ngừa biến chứng sỏi thận.

– Kiểm soát cân nặng, tránh béo phì để ngăn ngừa cơ thể sản sinh nhiều acid uric.

– Nên tập thể dục thường xuyên từ 20 – 30 phút mỗi ngày. Tránh thức khuya, làm việc quá sức và căng thẳng.

Một số người bị bệnh gout cũng có các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tim, huyết áp cao, bệnh thận hoặc béo phì. Nếu bạn có bất kỳ vấn đề nào trong số này, điều quan trọng là phải khám với bác sĩ để kiểm soát chúng. Điều này có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn và cũng có thể giúp chữa bệnh gout của bạn.