Các giai đoạn của bệnh Gout và dấu hiệu nhận biết bệnh từ sớm
Viêm khớp là căn bệnh rất phổ biến, thực tế là khoảng 35% dân số phải sống chung với căn bệnh này. Cứ 100 người trưởng thành thì lại có 2-5 người bị viêm khớp. Đây là tình trạng một hoặc nhiều khớp xương bị kích ứng gây viêm. Gút được biết đến là bệnh viêm khớp do vi tinh thể, đặc trưng bởi những đợt viêm khớp cấp tái phát.
Bệnh Gout là gì?
Bệnh gout là gì
Bệnh gút (còn gọi là gout hay thống phong) là một dạng viêm khớp phổ biến, người bệnh thường chịu những cơn đau đột ngột và dữ dội ở các khớp ngón chân, ngón tay, đầu gối, kèm theo cơn đau là hiện tượng sưng đỏ, thậm chí không đi lại được do đau.
Thời đại ngày nay đã xóa tan quan niệm trước đây cho rằng gút là “bệnh nhà giàu” và chỉ có ảnh hưởng đến đàn ông, thực tế cho thấy, tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh ngày càng phổ biến đặc biệt ở nhóm phụ nữ đã mãn kinh. Bên cạnh đó, khi đời sống được nâng cao hơn, nguồn thực phẩm đa dạng và chế độ ăn không lành mạnh đã khiến căn bệnh này ngày càng phổ biến và trẻ hóa.
Các giai đoạn của bệnh gout thường gặp
Các giai đoạn của bệnh gout
Các giai đoạn của bệnh gout gồm:
1. Giai đoạn 1
Trong giai đoạn đầu của bệnh gút, bệnh nhân mới chỉ tăng nồng độ axit uric trong máu, chưa hình thành các tinh thể gây viêm khớp. Do đó, người bệnh cũng không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Ở giai đoạn này, phần lớn trường hợp được phát hiện không cần phải điều trị. Thay vào đó, người bệnh chỉ cần áp dụng các biện pháp chăm sóc và thay đổi thói quen ăn uống, sinh hoạt là đã kiểm soát bệnh tốt. (2)
Trong giai đoạn 1, kiểm soát những yếu tố nguy cơ là điều rất quan trọng, giúp ngăn ngừa tình trạng dư thừa acid uric tiến triển thành bệnh gout.
2. Giai đoạn 2
Trong giai đoạn 2, người bệnh có thể thấy các triệu chứng đã xuất hiện rõ ràng. Những tinh thể uric lắng đọng quanh khớp, gây ra tình trạng viêm cấp tính. Bệnh nhân bị đau dữ dội và khó chịu. Ở giai đoạn này, những đợt khởi phát viêm do gout thường chỉ kéo dài 3 đến 10 ngày, triệu chứng đau giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, khi người bệnh tiếp xúc với những yếu tố kích thích như rượu bia, thức uống chứa cồn, căng thẳng, thời tiết lạnh…, tình trạng đau do bệnh gout cấp sẽ càng tiến triển nặng, rõ ràng hơn.
3. Giai đoạn 3
Ở giai đoạn 3, những đợt khởi phát viêm và các triệu chứng gout cấp sẽ ngày càng gần nhau hơn. Tình trạng này cảnh báo tinh thể uric đang lắng đọng không ngừng trong các mô, ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp.
4. Giai đoạn 4
Trong giai đoạn 4, người bệnh có thể thấy sự xuất hiện của tophi mạn tính. Đồng thời, các khớp và thận có thể đã xuất hiện các tổn thương vĩnh viễn. Ngoài viêm khớp ngón chân, nhiều khớp khác trên cơ thể cũng đã bị ảnh hưởng, chẳng hạn như khớp cổ chân, khớp ngón tay… (3)
Ở giai đoạn này, nếu trì hoãn điều trị, người bệnh có thể đối mặt với các biến chứng không phục hồi do gout, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và khả năng vận động của xương khớp.
Các giai đoạn của bệnh gout đều có biểu hiện đặc trưng. Người bệnh nên nhận biết bệnh sớm và có hướng can thiệp kịp thời. Điều này sẽ giúp ngăn bệnh tiến triển nặng, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm, làm giảm chất lượng cuộc sống.
Các dấu hiệu giúp nhận biết bệnh gout từ sớm
Ở giai đoạn đầu của bệnh gout, một số người bệnh được ghi nhận nồng độ acid uric trong máu tăng. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không có các triệu chứng do tăng acid uric máu. Lâu dần, nồng độ axit uric tăng cao không hạ, dẫn tới tích tụ những tinh thể urat gây đau khớp. Bệnh thường xuất hiện đột ngột. Triệu chứng đau dữ dội tới âm ỉ, thường xảy ra vào ban đêm.
Trong các giai đoạn của bệnh gout, người bệnh có thể nhận biết bệnh thông qua những triệu chứng như:
– Khớp đau dữ dội: Tình trạng đau xuất hiện tại khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay, khuỷu tay. Ở khớp háng, khớp vai, vùng chậu, tần suất cơn đau xuất hiện ít hơn. Thời điểm cơn đau tiến triển nặng nhất là trong vòng 4 – 12 giờ đầu tiên sau khi khởi phát.
– Đau âm ỉ và kéo dài: Sau khi trải qua cơn đau dữ dội của đợt gút cấp, người bệnh sẽ bị đau âm ỉ. Triệu chứng này có thể kéo dài vài ngày hay vài tuần. Tần suất lần sau sẽ đau, kéo dài hơn lần trước.
– Viêm và tấy đỏ ở khớp: Những khớp bị ảnh hưởng bị sưng, nóng, đỏ.
– Giảm tầm vận động của khớp: Khi bệnh tiến triển, người bệnh gặp nhiều khó khăn khi cử động các khớp bị ảnh hưởng.
Bệnh gút ở người cao tuổi có nguy hiểm không?
Bệnh gout ở người cao tuổi
Bệnh gout khá nguy hiểm đối với mọi đối tượng mắc phải. Đặc biệt đối với người cao tuổi, bệnh có thể gây biến chứng lên hệ thống xương khớp, tác động đến hoạt động của thận, huyết áp và tim mạch.
Một số biến chứng nghiêm trọng thường gặp khi mắc bệnh gút như:
– Hạt tophi. Những hạt này hình thành khi các tinh thể muối urat bám chặt vào khớp khiến khớp đau nhức dữ dội, giảm khả năng vận động và có nguy cơ biến dạng khớp cao.
– Tàn phế. Gút ở giai đoạn cuối thường có tiến triển nhanh chóng. Hạt tophi xuất hiện ngay cả ở gân, khớp ngón tay, khuỷu tay, gây biến dạng khớp, tăng nguy cơ tàn phế và mất hẳn chức năng vận động.
– Sỏi thận, sỏi bàng quang và niệu đạo.
– Tăng huyết áp, tiểu đường, suy thận,…
Bệnh gout tuy không nguy hiểm tính mạng nhưng để lại nỗi đau dai dẳng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Do đó, mỗi người cần chủ động khám sức khỏe định kỳ ở các cơ sở uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao.